
21 thg 2, 2025
Bộ Công Thương (MOIT) mới đây đã ban hành Quyết định số 460/QĐ-BCT, áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc và Ấn Độ. Mức thuế này, dao động từ 19,38% đến 27,83%, có hiệu lực trong 120 ngày kể từ ngày 08/03/2025.
VPBankS Research cho rằng đây là thông tin rất tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất HRC Việt nam như HPG do mức thuế CBPG công bố cao hơn nhiều mức chênh lệch thường thấy của HRC Việt Nam và HRC Trung Quốc. Chúng tôi lưu ý rằng, giá bán HRC của Hòa Phát và Formosa luôn cao hơn giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc từ 15- 45 USD/tấn (tương ứng với mức chênh lệch 2,9% - 9% so với giá HRC Trung Quốc). Với mức thuế chống bán phá giá như trên, chúng tôi cho rằng sản lượng tiêu thụ HRC tại thị trường nội địa của các doanh nghiệp như HPG, FHS sẽ có động lực để tăng mạnh do sản lượng tiêu thụ HRC hàng năm của 2 doanh nghiệp này mới chỉ đáp ứng được 39% nhu cầu hiện tại.
Đối với các công ty tôn mạ phụ thuộc vào HRC nhập khẩu như HSG, NKG, quyết định này sẽ có tác động tiêu cực. Tuy nhiên nhóm các công ty này đã chủ động giảm thiểu rủi ro này bằng cách đa dạng hóa nguồn HRC đầu vào. Hơn nữa, từ báo cáo tài chính quý 4.2024, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp này đang ghi nhận giá trị tồn kho nguyên vật liệu cùng hàng mua đi đường ở mức cao hơn so với trung bình, cho thấy có sự tích trữ trước HRC đầu vào trước khi quyết định CBPG được công bố. Vì vậy, trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng tác động tới các doanh nghiệp như HSG, NKG sẽ không đáng kể. Trong dài hạn, các doanh nghiệp tôn mạ sẽ phải chấp nhận sử dụng HRC nội địa hoặc nhập khẩu từ những nguồn khác Trung Quốc với giá HRC cao hơn giá HRC Trung Quốc.