top of page

Ngành thép

18 thg 3, 2025

Ngày 14/03, EC đã thông báo kết luận sơ bộ đối với vụ việc điều tra CBPG được khởi xướng từ ngày 08/08/2024 đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ các quốc gia Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam và Ai Cập. Theo đó, EC đã công bố không phát hiện hành vi bán phá giá của HRC Ấn Độ, trong khi sẽ áp thuế CBPG tạm thời đối với 3 quốc gia còn lại từ 6,9%-33,0% kể từ ngày 07/04 tới đây. Đối với Việt Nam, Formosa Hà Tĩnh và các doanh nghiệp khác sẽ phải chịu mức thuế 12,1% khi xuất khẩu HRC vào EU trong khi Hòa Phát sẽ không bị áp thuế. Mức thuế chính thức dự kiến sẽ được ban hành vào ngày 07/10/2025.
Trong trường hợp mức thuế chính thức không thay đổi so với mức thuế sơ bộ hiện tại, chúng tôi nhận thấy EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của HRC Việt Nam xét tới việc chênh lệch giá bán HRC tại 2 thị trường hiện đang ở trên mức 30%. Chúng tôi lưu ý rằng trong cả năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 727.000 tấn HRC sang EU, giảm 37% so với 2023 nhưng xếp thứ 6 về sản lượng xuất khẩu khi so với các nước khác. Chúng tôi cũng cho rằng Hòa Phát sẽ dành thêm được thị phần xuất khẩu HRC do không phải chịu thuế CBPG khi xuất khẩu vào EU trong trường hợp không thay đổi kết luận sơ bộ.
Nhằm đáp ứng yêu cầu bảo hộ của Hiệp hội thép châu Âu, EC đã khởi xướng đánh giá và chỉnh sửa mức hạn ngạch bảo hộ đối với các sản phẩm thép từ tháng 12/2024. Mới đây, EC đã công bố đề xuất đối với hạn ngạch bảo hộ cho các mặt hàng thép nhập khẩu. Đề xuất này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/04/2025.
Theo đó, đối với sản phẩm HRC, sản lượng HRC từ “các quốc gia khác” được miễn thuế trong hạn ngạch quý 2/2025 được điều chỉnh về mức 856.769 tấn/quý, giảm 7,4% so với mức hạn ngạch trong quý 1 và giảm 8,4% so với mức hạn ngạch quý 2 được công bố vào kỳ đánh giá tháng 07/2024. Mức trần tỷ trọng phân bổ hạn ngạch cho mỗi quốc gia trong mục “Các quốc gia khác” cũng được điều chỉnh giảm từ 15% về 13%. Do Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia khác nên điều này đồng nghĩa với việc sản lượng HRC được miễn thuế khi xuất khẩu vào EU trong quý 2/2025 của Việt Nam sẽ vào khoảng 111.380 tấn, giảm 19,7% so với mức hạn ngạch trong quý 1/2025. Trong trường hợp mức trần tỷ trọng hạn ngạch trên không thay đổi, chúng tôi ước tính sản lượng HRC được miễn thuế khi xuất khẩu sang EU của Việt Nam trong 2025 có thể đạt 472.906 tấn (giảm 14,9% so với hạn ngạch ước tính trong năm 2024).
Đối với sản phẩm tôn mạ, mức trần tỷ trọng hạn ngạch đối với sản phẩm tôn mạ sản xuất ô tô 4B từ nhóm “Các quốc gia khác” là 20% trong khi đối với sản phẩm tôn mạ 4A là 25%. Điều này đồng nghĩa với việc sản lượng tôn mạ của Việt Nam được miễn thuế khi xuất khẩu đi EU sẽ vào khoảng 139.000 tấn/quý, bao gồm 118.012 tấn/quý đối với sản phẩm tôn mạ 4A và 20.954 tấn/quý đối với tôn mạ sản xuất ô tô 4B. Chúng tôi lưu ý rằng Việt Nam đã xuất khẩu 321.405 tấn tôn mạ vào EU chỉ trong quý 4/2024, chiếm hơn 56% tổng hạn ngạch được cấp cho nhóm “Các quốc gia khác”. Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc áp dụng mới mức trần tỷ trọng hạn ngạch hiện tại khả năng cao sẽ khiến sản lượng tôn mạ Việt Nam xuất khẩu đi EU giảm mạnh bắt đầu từ quý 2/2025.

bottom of page