7 thg 8, 2024
NGÀNH BÁN LẺ:
KHẢ QUAN: Ngành bán lẻ ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực khi mức độ lạc quan của người tiêu dùng trong thời gian tới đã tăng lên mức 80, cao hơn hẳn so với thời điểm cuối năm 2023. Doanh số ngành bán lẻ trong năm 2023 và 7 tháng đầu năm 2024 lần lượt đạt 6,2 triệu tỷ và 3,6 triệu tỷ đồng, tương ứng tốc độ tăng trưởng là 9,7% và 8,7%. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, mức tăng so với cùng kỳ trong 7 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 5,2%, cho thấy tiêu dùng trong nước vẫn chưa hoàn toàn hồi phục.
Mảng ICT & CE: Nhu cầu mua sắm các sản phẩm ICT & CE đã dần hồi phục sau một năm sụt giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu trong 1H2024 của các doanh nghiệp trong ngành tăng trưởng trở lại.
Mảng bách hóa: Ý thức về an toàn thực phẩm của người dân đã gia tăng đáng kể, thúc đẩy ngành bán lẻ hàng bách hóa. Người tiêu dùng dần tập trung nhiều hơn vào sức khỏe thay vì giá rẻ. Các kênh bán hàng hiện đại như siêu thị mini và mua sắm online dự kiến sẽ gia tăng thị phần, trong khi các kênh truyền thống như chợ và tạp hóa sẽ suy giảm.
Mảng trang sức: Trang sức được đánh giá là sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu do nhu cầu vàng tại Việt Nam chủ yếu là tích trữ. Tổng nhu cầu vàng thỏi của người dân lên đến 78% từ năm 2010 đến hiện tại. Ngành trang sức không mang tính ổn định, đặc biệt đã sụt giảm mạnh trong thời điểm COVID-19 và hồi phục mạnh trở lại trong năm 2022, nhưng không bền vững khi đã suy giảm trở lại trong năm 2023.
Mảng dược phẩm: Ngành dược phẩm Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực từ thời điểm COVID-19 bùng phát, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 16,9% trong giai đoạn 2018-2023.